Mảnh đất Thọ Xuân – nơi sinh ra những vị đế vương từ Lê Đại Hành hoàng đế (Lê Hoàn), Thái tổ Cao Hoàng đế (Lê Lợi)… đến những anh hùng mở nước, giải phóng dân tộc. Thật tự hào về mảnh đất thiêng này, không chỉ có bề dày về lịch sử, văn hóa, nơi đây còn là quê hương cách mạng, góp phần vào sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 22/7/1930, tại thôn Yên Trường, xã Thọ Lập, dưới sự lãnh đạo của xứ uỷ Bắc Kỳ, chi bộ Yên Trường – chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân đã được thành lập. Chỉ một tuần sau đó, ngày 29/7/1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ tại làng Yên Trường xã Thọ Lập huyện Thọ Xuân, Đảng bộ Đảng CSVN tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Chi bộ Đảng Thọ Xuân, rồi Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập trên đất Thọ Xuân là những sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng trong huyện, trong tỉnh.
Không chỉ có Thọ Lập, từng tấc đất ở Thọ Xuân đều mang dấu ấn cách mạng. Xuân Minh – địa phương đã từng bị thực dân coi là “sào huyệt cộng sản”, là “trung tâm sự chống đối và lật đổ Chính phủ” và tập trung lực lượng cho xây dựng đồn bốt kiên cố, điều đến những tên ác ôn tàn bạo nhất trong vùng, cùng với một lực lượng tinh nhuệ để đàn áp, bắt bớ những chiến sĩ cộng sản. Đã có hơn 20 ngôi nhà ngói, nhà tranh bị chúng tháo dỡ làm đồn bốt, hàng trăm trâu, bò, lợn bị tịch thu, hàng chục tấn lương thực bị chúng chiếm đoạt, hàng trăm chiến sĩ cách mạng và quần chúng cách mạng bị địch bắt bớ, tra tấn, giam cầm, trong đó có 105 chiến sĩ cách mạng bị thực dân tuyên án với tổng cộng hơn 500 năm tù và thực tế đã bị cầm tù hơn 300 năm. Dù địch tăng cường khủng bố, lục soát gắt gao nhưng người dân Xuân Minh vẫn bám đất, bám làng và mảnh đất này vẫn là nơi đứng chân tin cậy và an toàn để các chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, tìm đến xây dựng phong trào. Các cán bộ của tỉnh, của xứ ủy công tác hoạt động trên mảnh đất Xuân Minh như: Tố Hữu, Lê Văn Thiệp, Lê Chủ, Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hữu Thường, Bùi San, Hoàng Tiến Trình… được Đảng và Nhân dân che chở, nuôi giấu an toàn.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Thọ Xuân luôn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với những con người anh dũng kiên trung. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra một thời kỳ mới cho quê hương Thọ Xuân. Song, chính quyền non trẻ ra đời chưa được bao lâu, việc xây dựng cuộc sống mới vừa bắt đầu, chính quyền và Nhân dân lại phải chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Thọ Xuân luôn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với những con người anh dũng kiên trung. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra một thời kỳ mới cho quê hương Thọ Xuân. Song, chính quyền non trẻ ra đời chưa được bao lâu, việc xây dựng cuộc sống mới vừa bắt đầu, chính quyền và Nhân dân lại phải chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Tiếp theo đó, trong điều kiện vừa cải tạo và xây dựng CNXH, vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Thọ Xuân là địa phương khởi xướng nhiều cách làm sáng tạo, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được Bác Hồ gửi thư khen, như: Tấm gương xây dựng tổ đổi công của Anh hùng Lao động Trịnh Xuân Bái (năm 1958), gương xây dựng HTX nông nghiệp và kỹ thuật thâm canh lúa của Anh hùng Lao động Lê Trọng Đồng (năm 1967)… Đặc biệt, Thọ Xuân có vinh dự là huyện đầu tiên đạt năng suất 5 tấn/ha và liên tục nhiều năm dẫn đầu toàn tỉnh và toàn miền Bắc về năng suất lúa. Điển hình là HTX Thắng Lợi (Xuân Thành) và Đông Phương Hồng (Thọ Hải) được Bác Hồ gửi thư khen ngợi (ngày 2-3-1966) và được đi báo cáo điển hình toàn miền Bắc.
Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, trải qua các giai đoạn cách mạng, Thọ Xuân đã huy động sức người, sức của, cùng cả nước đánh bại mọi âm mưu và hành động xâm lược của kẻ thù, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động quyết liệt, cùng sự đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ huyện Thọ Xuân đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong huyện đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Sau hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, đến nay Thọ Xuân đã có 11/29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, một số kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 12,42%, đứng thứ 3 toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,8 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,17%. Thọ Xuân là huyện có số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao nhiều nhất tỉnh với 14 xã; số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh với 38 sản phẩm. Sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,81%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,8%, vượt 10,8% mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Dịch vụ – thương mại có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 19,8%. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội chuyển biến tiến bộ. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực.
Với những tiềm năng, lợi thế hiện có, Thọ Xuân đang dần khẳng định trở thành một trong “tứ sơn” phát triển kinh tế của tỉnh. Từ vùng quê cách mạng đến trung tâm động lực quan trọng của tỉnh, đó là sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân. Vào những ngày này, những câu chuyện lịch sử đã nhắc nhớ, giáo dục mọi người về truyền thống cách mạng, từ đó khơi dậy sức mạnh tiềm năng để xây dựng quê hương Thọ Xuân ngày càng phát triển.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân